Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đơn hàng xuất khẩu “ấm” lên vì phục hồi về kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu khởi sắc. Từ đó, kéo theo nhu cầu mua sắm tăng, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gia tăng đơn hàng, tăng doanh thu, cải thiện thu nhập của công nhân lao động. Các thị trường có đơn hàng may mặc dồi dào là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Ông Hồng đánh giá, so với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng năm nay tăng từ 10-15%, với chiều hướng này hy vọng sẽ “giữ nhịp” gia tăng đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, đạt kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng may mặc cả nước là 44 tỷ USD. Ông Hồng phân tích thêm: Cùng với đơn hàng tăng cao, hầu hết doanh nghiệp đều tuyển dụng lao động thêm, song ngành may đang khan hiếm công nhân do số đông người lao động về quê. Các doanh nghiệp tính đến phương án phải tăng ca để đáp ứng đơn hàng và tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Cùng với sự gia tăng đơn hàng may mặc giúp các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ phát triển thị trường là nỗi lo thiếu hụt lớn lao động ngành may, nhất là công nhân có thâm niên và tay nghề. Đồng thời, phương án tăng ca để tăng sản lượng theo nhiều doanh nghiệp là cần tính đến thời gian nghỉ ngơi của người lao động phải đúng quy định của luật; do đó, việc tuyển thêm lao động để bổ sung cho sản xuất đang là nhu cầu cấp bách. Ghi nhận đơn hàng may mặc cũng dồi dào và tăng cao tại Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (Tập đoàn PPJ).
Bộ phận nhân sự của Tập đoàn PPJ cho hay: Hiện các nhà máy của tập đoàn có hơn 17.000 công nhân, do đơn hàng “bùng nổ” nên đang tuyển thêm gần 2.000 công nhân vào làm ở các nhà máy thuộc khu vực miền bắc, miền trung và miền nam. Trong đó, riêng nhà máy đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn tuyển khoảng 400 công nhân cùng với 3.500 công nhân lao động hiện có tại đây, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh đặt ra. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho biết: Do đơn hàng dồi dào nên hiện thu nhập của công nhân từ 11 đến 13 triệu đồng/tháng, thu hút công nhân làm việc và không còn ý định “rút” về quê như thời điểm trước.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ phân tích: Nguyên nhân khiến đơn hàng từ đối tác Mỹ, Nhật Bản tăng chính là thị trường các nước này đang hồi phục kinh tế, sức mua và nhu cầu tăng; từ đó, kéo theo đơn hàng may mặc tăng nhanh trở lại. Đây là một dấu hiệu rất tích cực cho ngành dệt may Việt Nam nói chung, tạo công ăn việc làm cho số đông công nhân lao động ngành may mặc.
Bà Liên cho biết: Để xây dựng thương hiệu, nhất là đối với các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, doanh nghiệp phải luôn cải tiến để không ngừng nâng cao năng lực của nhà máy, năng suất của người lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến, ưu tiên số hóa; đồng thời, tăng cường tìm kiếm khách hàng ở các thị trường mới, các phân khúc mà công ty từ trước tới nay chưa khai thác; duy trì các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà khách hàng đề ra phù hợp với pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế.
Nguồn: Báo Công thương.