4…3…2…1… Đèn tín hiệu chuyển xanh, tay cầm ga, bánh xe máy bắt đầu di chuyển, có lẽ mọi người cũng đang vội vã di chuyển khi trời đã lấm tấm vài hạt mưa rơi. Trên con đường thường ngày mà tôi vẫn hay qua, hôm nay bỗng xuất hiện vài cô chú đang dựng sạp với băng rôn nhiều sắc màu, cô thì treo đèn, chú thì nhanh tay xếp bánh lên kệ, hóa ra sắp Trung thu rồi nhỉ.
Nhớ hồi cấp 1, có lần cô giáo dặn các em học sinh, sắp tới trường ta sẽ tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” có chú Cuội và chị Hằng Nga xuống thăm các em. Đôi mắt tròn xoe, tôi hí hửng tưởng tượng cảnh mình sắp được gặp chị Hằng và chú Cuội, trước giờ cứ ngỡ chỉ có trên ti vi. Cô còn thông báo, các bạn về nhà chuẩn bị đèn lồng để cùng tham gia rước đèn quanh sân trường. Nhớ đoạn này còn có bạn giơ tay, xung phong đem hẳn 1 chiếc đèn ngôi sao siêu to treo ở cửa lớp.
Không khí từ bàn tán đến xôn xao cười nói rôm rả vang cả 1 khoảng lớp…
Tùng tùng … tùng tùng …
Trống trường vang lên cũng là lúc chúng tôi xỏ giày, đeo cặp sách, đứng lên và chào cô giáo rồi ra về. Các bạn ào ra như bầy ong vỡ tổ, trong đó có tôi. Bằng một tốc độ hết mức, tôi đã đứng ngay ngắn ở góc bàng quen thuộc, xa xa thấy dáng cha đang dẫn bộ, rồi con xe lại đòi ba thương chứ gì. Hai ba con cặm cụi 1 hồi cũng sửa xong con xe đạp. Ngồi sau yên xe, tôi choàng tay ôm lấy vòng bụng căng tròn của ba mà cất giọng điệu đà nói: “Ba ơi, thứ tư tuần sau trường tổ chức “Đêm hội trăng rằm” Ba mua đèn lồng cho con nha ba!”
Xe đạp cứ lăn bánh nhịp nhàng cùng đôi chân của ba, đoạn này vừa hay lướt ngang sạp bánh cô Cúc, trên kệ lúc này đã xuất hiện vài chiếc đèn hình con cá, con gà với đủ loại màu sắc rực rỡ, trông thật vui mắt. Tiếng thắng xe cót két dừng lại, ba gạt chân chống để lại tôi trên xe, ba ngó nhìn 1 lượt, chợt đôi bàn tay rám nắng ấy sờ lên túi quần, cha có vẻ ngập ngừng và quay sang nhìn tôi nói: “Cha không mang đủ tiền rồi con gái”.
Nụ cười trong tôi chợt tắt, tất cả ánh sáng như dần thu bé lại, xung quanh hiện lên toàn là khung cảnh lũ bạn reo hò sung sướng bên chiếc đèn lồng và chạy vui quanh sân trường. “Tạch”. Tiếng gạt chân chống xe kéo tôi về với hiện tại, ba xốc nách tôi ngồi ngay ngắn: “Về thôi con gái”. Lúc này cảnh hai bên đường bắt đầu chuyển động, khoảnh khắc tôi ngoảnh đầu nhìn lại, chợt thấy nhỏ bạn bàn trên đang nhảy lên sung sướng vì mới tậu một chiếc đèn lồng cá chép. Con đường về nhà hôm nay sao xa thế, chiếc cặp sau vai bỗng trở nên nặng nề, có lẽ đó chính là tâm trạng của tôi thì đúng hơn.
Những ngày sau đó, tôi phải tự đi bộ đến trường vì dạo này ba bận ra ruộng, mãi đến tối mới về nhà. Tôi còn nhớ hôm đó là thứ hai, ba từ xa vác vật gì đó dài dài và hơi nặng, hình như đám tre ngoài bờ ruộng. Vào nhà ba chặt tre thành những đoạn nhỏ, đoạn tôi nhích lại gần chăm chú nhìn, chợt khóe môi ba mỉm cười và nói với tôi: “Lại đây con gái, con có muốn cùng làm đèn lồng với ba không?”
Cứ thế tôi ngồi xuống, đôi mắt tôi tròn xoe nhìn vào đôi bàn tay đang thoăn thoắt ấy chuốt từng thanh tre. Thoáng cái hết cả buổi tối, giờ đến bước ba nối các đầu thanh tre tạo hình chữ V, rồi lồng chúng lại với nhau tạo thành hình ngôi sao. Đoạn vi diệu nhất có lẽ là lúc đã cố định các đầu của hai ngôi sao với nhau, ba dùng các đoạn tre ngắn chống 5 cạnh bên trong, thế là thành hình rồi. Tôi lúc này nhảy bắn lên vì sung sướng, xoay vài vòng xung quanh đám thanh tre còn đang lộn xộn. Ngôi sao lúc này đang được ba tạo hình với tấm áo mới bằng giấy kính màu đỏ trong, ba còn lấy sơn vẽ lên vài chiếc lá màu xanh xanh, nhìn bắt mắt làm sao. Đôi tay tôi không còn yên nữa, cứ lấp ló để đợi đón lấy chiếc đèn lồng xinh xắn ấy, và rồi khi cây nến nhỏ được gắn vào giữa, chiếc que diêm cũng sáng lên, một chiếc đèn lồng lấp lánh. Lòng tôi như ánh nắng mùa xuân được sưởi ấm sau một mùa đông dài đằng đẵng. Với một cô bé lúc bấy giờ, đó là một điều tuyệt vời, đặc biệt hơn lúc này là tiếng bật cười của ba dưới hình ảnh cô con gái tung tăng chạy quanh sân nhà.
Giờ nhớ lại, tiếng chuốt thanh tre giữa sân nhà, tiếng dế kêu giữa trời khuya và cả ánh sáng của đêm trăng hôm ấy còn đọng mãi trong tuổi thơ tôi. Có lẽ ngôi sao ấy rất đặc biệt, nó là đôi bàn tay rám nắng, là giọt mồ hôi và chính là tình yêu của ba dành cho tôi. Cảm ơn tình yêu ấy đã cho con một tuổi thơ thật ý nghĩa và trọn vẹn.
Nhớ xong đoạn ký ức ấy cũng kịp lúc xe dừng trước cửa nhà trọ, tắt máy xe, gạt chống, bỗng điện thoại báo hiệu có tin nhắn, dòng chữ với cái tên quen thuộc: “Đi làm về chưa con, cơm nước gì chưa?”
Đấy ba tôi là chỉ vỏn vẹn hai câu hỏi, mà ngày nào cũng y chang vậy!
Còn câu chuyện của bạn về ngày Trung thu thế nào, hãy kể cho mình cùng nghe nhé!
Bài: Võ Huỳnh Minh Thư – PPGM