Vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (sau đây gọi tắt là “Luật BHXH 2024”) và dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Với nhiều nội dung mới, quan trọng, Luật BHXH 2024 hướng tới cải thiện hệ thống an sinh xã hội, gia tăng quyền, lợi ích khi thụ hưởng chính sách, đáp ứng nhu cầu của người lao động trong bối cảnh kinh tế xã hội không ngừng biến đổi, khắc phục các bất cập từ thực tiễn khi triển khai Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sau đây gọi tắt là “Luật BHXH 2014”). Bài viết này sẽ điểm qua một số thay đổi đáng chú ý của Luật BHXH 2024 có sức ảnh hưởng lớn đối với quyền và lợi ích của người lao động đã, đang và sẽ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian tới, cụ thể:
1. Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng nhằm tăng số người được hưởng lương hưu
1.1 Thời gian đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng giảm từ 20 năm xuống 15 năm
Theo quy định trước đây, người lao động cần ít nhất 20 năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, tuy nhiên, đến Luật BHXH 2024 thì thời gian này đã được giảm xuống còn 15 năm. Mục đích của sự thay đổi này là tháo gỡ rào cản đối với những người lao động có thời gian tham gia không dài nhưng vẫn đủ khả năng đóng góp vào quỹ BHXH như: nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH để có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm về các chế độ bảo hiểm y tế. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.
1.2 Tỷ lệ hưởng lương hưu lên tới 75%
Ngoài ra, Điều 99 Luật BHXH 2024 còn quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có từ đủ 15 năm đóng BHXH với mức tối đa có thể được hưởng lên tới 75%, tùy thuộc vào số năm đóng BHXH trên thực tế. Đồng thời, việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.
Như vậy, với mức lương hưu hằng tháng ổn định, mức hưởng sẽ được Nhà nước điều chỉnh định kỳ và được quỹ BHXH mua thẻ BHYT trong thời gian hưởng lương hưu sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng BHYT, giảm rủi ro tài chính cho họ khi về già. Qua đó, Luật BHXH 2024 muốn người lao động thấy rằng, việc hưởng lương hưu giờ đây không còn quá xa vời đối với họ, việc này góp phần làm tăng động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động. Không những thế, trong tương lai, Nhà nước còn hướng tới việc giảm thời gian đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
2. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
So với Luật BHXH 2014, Điều 2 của Luật BHXH 2024 đã mở rộng đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, một số nhóm đối tượng mới đã được bổ sung, chẳng hạn như:
Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt), có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Nếu tiền lương nhận được thấp hơn mức tiền lương theo quy định thì không phải tham gia.
Đặc biệt, mặc dù giữa người lao động và người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động mà ký kết một thỏa thuận với tên gọi khác nhưng nội dung có thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, thì vẫn sẽ được tính vào trường hợp tham gia BHXH bắt buộc. Điều luật này được bổ sung nhằm hạn chế trường hợp các bên trong quan hệ lao động cố gắng trốn tránh việc tham gia BHXH bắt buộc thông qua việc giao kết một loại hợp đồng khác thay cho hợp đồng lao động theo đúng bản chất của nó.
Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn mới đã được bổ sung trong Luật BHXH 2024. Quy định mới này được cho là bao quát hơn và sẽ đảm bảo hơn về quyền lợi cho các nhóm đối tượng người lao động. Đặc biệt là những người lao động nắm giữ vị trí này, làm việc nhưng không hưởng tiền lương vẫn được tham gia BHXH bắt buộc.
3. Bổ sung một vài quy định mới về chế độ thai sản của người lao động
Theo đó, để tạo điều kiện cho người lao động (đặc biệt là lao động nữ) trong quá trình thai sản được hưởng trọn vẹn các quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, Luật BHXH 2024 đã bổ sung thêm một số quy định cần lưu ý như:
- Thời gian lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai được tăng lên 02 ngày mỗi lần (Điều 51);
- Điều kiện được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được điều chỉnh: Đối với thai từ đủ 22 tuần trở lên mà sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định được nghỉ việc 50 ngày, thay vì phải đạt 25 tuần trở lên mới được. Ngoài ra, đối với thai từ đủ 22 tuần trở lên và đáp ứng các điều kiện thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con (Điều 52);
- Lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con được tính trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con và có thể nghỉ nhiều lần, khác với Luật BHXH 2014 chỉ giới hạn trong 30 ngày và không cho nghỉ thành nhiều lần (Điều 53);
- Quy định rõ thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH (Điều 53);
- Lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số thai bao gồm cả con sống, con chết và thai chết (Điều 53);
- Bổ sung nhiều quyền của lao động nữ mang thai hộ như (i) khám thai; (ii) nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai hoặc có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung; (iii) nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; và người chồng cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tương tự lao động nam có vợ sinh con (Điều 54);
- Thay đổi căn cứ tính trợ cấp một lần từ “mức lương cơ sở” thành “mức tham chiếu”; (Điều 58)
- Bổ sung trợ cấp một lần cho người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi (Điều 56);
- Bổ sung các quy định để các đối tượng là lao động nữ sinh con nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp một lần, và lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần (Điều 58);
- Lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sẽ không được hưởng quyền lợi dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản như đối với lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (Điều 60).
4. Bổ sung trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên vẫn phải đóng BHXH
Một trong những nội dung hoàn toàn mới với mục đích đảm bảo quyền lợi BHXH của người lao động không bị ảnh hưởng bởi thời gian nghỉ ốm được quy định chi tiết tại Điều 33 Luật BHXH 2024. Theo đó, “trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng BHXH của tháng đó”. Nếu không phải tháng đầu làm việc hoặc không thuộc tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì người lao động không phải đóng BHXH tháng đó, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc có đóng BHXH cho tháng đó.
Bên cạnh đó, Luật BHXH 2024 đã giới hạn đối tượng áp dụng đối với quy định về việc NLĐ không phải đóng BHXH tháng nếu họ không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng đó, trừ trường hợp họ và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác, thay vì áp dụng cho tất cả các đối tượng như Luật BHXH 2014. Theo đó, quy định này chỉ áp dụng cho một vài đối tượng nhất định và trong đó, người lao động cần lưu ý các đối tượng sau sẽ không phải đóng BHXH tháng nếu họ không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng đó và không có thỏa thuận khác với người sử dụng lao động:
Đối tượng 1: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
Đối tượng 2: Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ một số trường hợp được quy định.
Đối tượng 3: Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật có hưởng tiền lương.
5. Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần
Hiện nay, nhiều người lao động đã lựa chọn rút BHXH một lần để đáp ứng nhu cầu cấp bách của họ trong giai đoạn mất việc làm, cuộc sống khó khăn khi nền kinh tế đang có nhiều biến động. Điều này tuy mang lại lợi ích và giải quyết được vấn đề hiện tại, tuy nhiên lại ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích của người lao động trong tương lai và đặc biệt là khi về già, khi mà khả năng và sức lao động của họ bị hạn chế hoặc có thể là không còn.
Để giảm thiểu tình trạng này, Luật BHXH 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Quy định điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm); Được hưởng trợ cấp hằng tháng và được ngân sách Nhà nước đóng BHYT trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Tăng mức trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu bằng 2 tháng lương bình quân đóng BHXH (hiện nay là 0,5 tháng) cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%; Người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt; …
Song song với đó, Luật BHXH 2024 quy định người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/7/2025, đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần. Như vậy, đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 trở đi sẽ không được hưởng BHXH một lần, mà chỉ giải quyết trong các trường hợp: (i) đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc (ii) ra nước ngoài để định cư; hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng.
Ưu điểm của những quy định này đã thể hiện lộ trình từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần hàng loạt trong thời gian qua; tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động nghỉ hưu được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn, góp phần ổn định cuộc sống của họ ở tuổi xế chiều.
6. Điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho người lao động cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH
Nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho người lao động cao tuổi, không có lương hưu, trợ cấp BHXH, Luật BHXH 2024 đã mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, cụ thể: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hữu trợ cấp hưu trí xã hội nếu không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ, đồng thời phải có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ do Chính phủ quy định và sẽ tuỳ phụ thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước nhưng chắc chắn sẽ không thấp hơn mức trợ cấp xã hội hằng tháng, hiện là 500.000 đồng/tháng. Trường hợp đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn. Đặc biệt, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, cụ thể: mức hỗ trợ chi phí mai táng tối thiểu bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, tức là 10 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do Ngân sách nhà nước bảo đảm. Theo đó, thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, mức đóng BHXH của người lao động. Trường hợp người đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng một lần trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện theo quy định.
7. Bổ sung chế độ thai sản, và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động vào chính sách BHXH tự nguyện
Tại Điều 95 Luật BHXH 2024 đã quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Ngoài ra, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động còn được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng phạm vi BHXH cho người lao động không thuộc chế độ bắt buộc.
Tổng kết lại, Luật BHXH 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, không chỉ mang lại những thay đổi đáng kể về các chế độ BHXH mà còn thể hiện sự điều chỉnh linh hoạt và nhạy bén với sự phát triển của thị trường lao động và nhu cầu của người dân. Những điểm mới trong Luật như việc giảm điều kiện hưởng lương hưu, bổ sung chế độ thai sản vào BHXH tự nguyện, và thay đổi quy định về BHXH một lần đều hướng tới việc mở rộng quyền lợi và nâng cao tính bao phủ của hệ thống an sinh xã hội. Những cải cách này không chỉ giúp tăng cường sự công bằng trong phân phối lợi ích và bảo vệ người lao động, mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển bền vững của hệ thống BHXH quốc gia. Nhìn về phía trước, việc thực hiện các quy định mới sẽ yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và người dân để đảm bảo rằng các chính sách được áp dụng hiệu quả và đúng đối tượng. Điều này sẽ không chỉ cải thiện đời sống của người lao động mà còn góp phần vào sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững của đất nước./.
Tác giả:
Võ Thị Như Phương – Nguyễn Thị Cẩm Nhi
Phòng Pháp chế Tập đoàn PPJ Group