Trong môi trường lao động tại các doanh nghiệp, an toàn lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi dù đã có các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Theo thống kê về tình hình tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 trên toàn quốc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có tới 2.755 vụ tai nạn lao động làm 268 người chết và 710 người bị thương nặng. Trong đó, yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là tai nạn giao thông chiếm 25,5% tổng số vụ và 25,34% tổng số người chết. Như vậy, tai nạn lao động không chỉ giới hạn trong phạm vi công việc diễn ra tại nhà máy, công xưởng, mà còn có thể xảy ra trong quá trình tham gia giao thông trong hoặc ngoài thời gian làm việc. Vậy liệu NLĐ gặp tai nạn trong quá trình di chuyển từ nhà tới nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nhà có được coi là tai nạn lao động hay không và sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật như thế nào?
Trước những thắc mắc này, bài viết sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về các quy định pháp lý liên quan, đồng thời phân tích quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý các trường hợp tai nạn xảy ra ngoài phạm vi nơi làm việc trực tiếp. Điều này không chỉ giúp NLĐ hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình mà còn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ NLĐ.
1. Tai nạn lao động là gì? Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động?
- Tai nạn lao động:
Theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Có thể thấy, tai nạn lao động là những tai nạn xảy ra khi thực hiện công việc. Đây là những rủi ro không thể lường trước. Vì thế, NLĐ cần hiểu rõ khái niệm này để đảm bảo các quyền lợi của mình.
- Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
Cụ thể tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
(2) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại (1);
(3) NLĐ không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
2. Trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở được hưởng chế độ tai nạn lao động hay chế độ ốm đau và mức hưởng cụ thể như thế nào?
2.1. Bị tai nạn trên đường đi làm về hoặc ngược lại, NLĐ có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
Theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thì được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không có quy định giải thích cụ thể về khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà giao trách nhiệm đánh giá tai nạn giao thông liên quan đến tai nạn lao động cho Đoàn điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền xem xét, xác minh và lập biên bản điều tra tai nạn lao động (theo Điều 23 Nghị định 39/2016/NĐ-CP).
Nếu biên bản điều tra tai nạn lao động xác định tai nạn giao thông xảy ra với người lao động là tai nạn lao động thì người bị tai nạn sẽ được hưởng các quyền lợi của chế độ tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Như vậy, khi điều trị tai nạn lần đầu, người lao động không được hưởng chế độ ốm đau.
Tuy nhiên theo điểm c, khoản 1 điều 42 Luật Bảo hiểm Xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) quy định trường hợp người lao động phải điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc. Thông tin chi tiết sẽ được đề cập tại Mục 3 của bài viết này.
2.2. Trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ
Vậy, trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông và tai nạn đó thỏa mãn các điều kiện để được xếp vào tai nạn lao động theo quy định pháp luật, NSDLĐ có những trách nhiệm nào và NLĐ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
a, Đối với NSDLĐ:
Trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ trợ cấp cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng như sau: (i) Ít nhất 12 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động; và (ii) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức quy định pháp luật.
Thêm vào đó, tiền lương làm căn cứ để thực hiện trợ cấp cho NLĐ là tiền lương được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động; Nếu thời gian làm việc của NLĐ chưa đủ 06 tháng thì tiền lương làm căn cứ để tính trợ cấp chính là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động. Tiền lương ở đây được hiểu là: (i) Đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động; (ii) Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ có mức lương, thì mức lương tháng là tiền lương do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc; và (iii) Đối với NLĐ đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định.
NSDLĐ thực hiện việc trợ cấp theo nguyên tắc: Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó. Do đó, nếu NLĐ yêu cầu bồi thường cho nhiều tai nạn trong cùng một lần thì NSDLĐ có quyền từ chối yêu cầu này và chỉ đồng ý chi trả cho lần tai nạn gần nhất. Theo quy định, thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính từ tháng NLĐ điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Đặc biệt, theo quy định pháp luật, ngoài khoản trợ cấp nêu trên, NSDLĐ không có trách nhiệm phải trả lương, chi phí y tế cho NLĐ trong thời gian NLĐ phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động.
b, Đối với NLĐ:
Trước khi xảy ra tai nạn: Vì việc trợ cấp chỉ được NSDLĐ thực hiện nếu tai nạn do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn nên NLĐ cần lưu ý tuân thủ đúng Luật an toàn giao thông, tham gia giao thông một cách nghiêm túc và cẩn thận để đảm bảo tai nạn không phải do chính mình gây ra.
Sau khi xảy ra tai nạn: Theo quy định pháp luật, NLĐ bị tai nạn giao thông phải cung cấp một số giấy tờ nhất định để được hưởng chế độ tai nạn lao động. Theo đó, NLĐ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp một số hồ sơ cần thiết như sau:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;
- Biên bản điều tra tai nạn giao thông;
- Trường hợp không có các giấy tờ quy định nêu trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
Sau khi đã có các loại giấy tờ trên, NLĐ tiến hành chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ lao động bao gồm:
- Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH);
- Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông;
- Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; và
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
3. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người bị tai nạn trên đường đi làm từ 01/7/2025
Từ 01/7/2025, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, người lao động bị tai nạn khi đi từ nhà tới nơi làm việc hoặc ngược lại theo tuyến đường và thời gian hợp lý phải điều trị thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Theo đó:
Mức trợ cấp ốm đau được hưởng được tính theo tháng và trên căn cứ như sau: (i) Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau hoặc (ii) Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng đầu tiên tham gia BHXH/tháng tham gia trở lại nếu phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tham gia/tháng tham gia trở lại.
Mức hưởng trợ cấp ốm đau của NLĐ quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại khoản 1 Điều này. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của NLĐ quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật này được tính như sau:
- Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;
- Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; và
- Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm.
Bên cạnh đó, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày. Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày.
Mặc dù đang có sự điều chỉnh khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 nhưng phải đến ngày 01/7/2025 thì Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mới có hiệu lực. Dự kiến sắp tới, Luật An toàn vệ sinh lao động cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Kết luận
Việc NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm hoặc từ nơi làm việc về nhà và có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố cụ thể. Như đã phân tích ở trên, những tai nạn xảy ra trong quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại vẫn có thể được xem xét là tai nạn lao động nếu đáp ứng được các điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là tai nạn phải xảy ra trên tuyến đường hợp lý và đúng lộ trình mà NLĐ thường sử dụng để đi làm. Đồng thời, không có bất kỳ hành vi vi phạm luật giao thông hay các hành động trái với quy định pháp luật nào từ phía NLĐ. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình, NLĐ cần nhanh chóng hiểu rõ những đổi mới của Luật bảo hiểm xã hội 2024 về vấn đề này và khi có sự việc xảy ra, họ có thể chủ động đưa ra các hành động phù hợp, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để nhận được phần trợ cấp nằm trong phạm vi quyền của mình. Về phía NSDLĐ, doanh nghiệp cần phải thực hiện trợ cấp cho NLĐ trong trường hợp thuộc nghĩa vụ của mình và tạo điều kiện để đảm bảo NLĐ được hồi phục tốt, được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời của doanh nghiệp khi gặp phải những rủi ro không mong muốn trong quá trình lao động.
Bài: Võ Thị Như Phương – Nguyễn Thị Cẩm Nhi
Phòng Pháp chế HO