Ai trong đời cũng có một quê hương để thương nhớ, một nơi mà mỗi lần nhắm mắt lại, trong tâm trí ta lại hiện lên hình ảnh những cánh đồng xanh rì, con đường làng rợp bóng tre và một dòng sông hiền hòa, lặng lẽ chảy qua từng mùa. Quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra, mà còn là nơi chôn giấu những ký ức, những kỷ niệm tuổi thơ mãi theo ta đi suốt cuộc đời.
Chiều quê đìu hiu, không gian tĩnh lặng chỉ còn lại tiếng gió thổi xuyên qua những hàng tre và tiếng nước chảy lặng lẽ của dòng sông. Trong cái mênh mông của đồng ruộng trải dài, tiếng vịt kêu chiều vọng lại từ xa, nghe sao mà não lòng đến thế. Tiếng vịt kêu như gợi lên nỗi niềm nhớ nhung quê hương da diết của người xa xứ. Mỗi lần nghe âm thanh đó, lòng người như chùng xuống, những kỷ niệm tuổi thơ, những hình ảnh thân quen của mái nhà tranh, ruộng đồng lại ùa về. Trong cái tĩnh lặng của buổi chiều tà, tiếng vịt ấy vang lên như một lời gọi thầm nhắc nhở: Quê hương vẫn luôn đợi người con trở về, nơi ấy có dòng sông bên lở bên bồi, có bến nước, con đò, và có cả những ký ức đẹp đẽ đã in sâu trong lòng. Khi hoàng hôn buông xuống, tiếng gió rì rào len qua hàng dừa, tiếng vịt kêu chiều vang vọng khắp cánh đồng, khiến lòng người xao xuyến.
Ở quê, người ta thường nhắc đến sự thiếu thốn vật chất, thiếu những tiện nghi hiện đại mà cuộc sống thành thị có sẵn. Nhưng ít ai hiểu rằng, chính trong cái thiếu thốn ấy lại ẩn chứa những giá trị mà ở nơi khác khó có được, như sự mộc mạc, chân thành trong tình cảm con người, đặc biệt là trong tình yêu đôi lứa. Tình yêu không phô trương, không cầu kỳ hay được bao phủ bởi vẻ hào nhoáng vật chất. Thay vào đó, nó bắt nguồn từ những gì giản dị nhất. Đó có thể là ánh mắt trao nhau bên bờ sông vào những buổi chiều tắt nắng, là những lần gặp gỡ khi lùa trâu, thả vịt ngoài đồng. Trong không gian thanh bình của làng quê, tình yêu giữa trai gái nảy nở một cách tự nhiên, chân thành và thuần khiết. Họ đến với nhau không vì những thứ xa hoa, mà vì sự cảm thông, chia sẻ trong từng khoảnh khắc cuộc sống.
Ở quê, khi cuộc sống gắn liền với ruộng đồng, sông nước, người ta hiểu giá trị của lao động, của những giọt mồ hôi thấm đẫm trên vai áo. Tình yêu cũng thế, nó đến từ sự đồng điệu, từ những cái nhìn thấu hiểu mà không cần phải nói thành lời. Đôi khi, chỉ một cái gật đầu nhẹ, một nụ cười hiền từ của người con gái đã đủ để người con trai cảm nhận được tình cảm chân thành. Đó là thứ tình cảm không bị chi phối bởi những điều phù phiếm, mà đến từ trái tim, từ sự mộc mạc chân phương. Những chàng trai miền quê chân chất, đôi bàn tay chai sạn vì lao động, nhưng trong mắt người con gái, đó lại là biểu tượng của sự chăm chỉ, kiên cường. Những cô gái quê, không cần phải trang điểm cầu kỳ, không cần phải ăn diện sang trọng, nhưng lại có nét duyên dáng tự nhiên, thu hút bởi sự dịu dàng, thật thà. Tình yêu ở quê không cần những lời nói hoa mỹ, chỉ cần sự lắng nghe và thấu hiểu.
Vậy đó, ở quê tuy thiếu thốn vật chất, nhưng người ta lại giàu có về tình cảm. Sự mộc mạc chân thành trong tình yêu giữa trai gái miền quê là điều quý giá nhất, là thứ làm cho cuộc sống nơi ấy luôn ngập tràn hơi ấm và nghĩa tình. Câu ca dao “Vẳng nghe chim vịt kêu chiều, bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau” cũng đã nhắc về tiếng vịt kêu như một thanh âm của tuổi thơ, mang sức mạnh triệu hồi mọi ký ức của nơi quê hương chôn nhau cắt rốn, có mẹ, có gia đình thân thương mà không gì có thể thay thế.
Khi ánh mặt trời dần khuất sau lũy tre làng, dòng sông như khoác lên mình tấm áo vàng óng ánh, lung linh soi bóng mấy nhịp cầu tre. Trên bến sông, những chiếc xuồng ba lá chở đầy hoa súng, cá tôm lặng lẽ xuôi dòng, đưa hương vị của đồng quê đi khắp muôn nơi.
Quê hương sông nước không chỉ là nơi sinh ra và lớn lên của những con người thành đạt đang góp phần xây dựng sự giàu mạnh cho đất nước, mà còn là chốn nương tựa tinh thần, nơi ai cũng có thể tìm lại được sự bình yên mỗi khi đời sống xô bồ quá đỗi. Dòng sông quê vẫn âm thầm chảy, như lòng người vẫn mãi hướng về cội nguồn, về một miền ký ức đã in sâu trong tim.